Mục lục | Taberd, những mẫu chuyện cũ (2) Vũ Văn Chính |
Năm lớp 6, 7 những ai ngồi học bên dãy lầu phía bên đường Hai Bà Trưng, cứ mỗi sáng là đều ngửi thấy cái mùi giống như mùi bắp cải thúi, nó bay thoang thoảng qua các lớp, ngày ấy bọn chúng tôi hay ngồi đoán già đoán non cái mùi này không biết từ đâu ra, có đứa còn tỏ ra hiểu biết thì nói nó từ bên nhà thương Grall bay qua, có thể là mùi thuốc mà mùi thuốc thì cũng không đúng vì nó thum thủm, có đứa quả quyết đó là mùi formol từ nhà xác xả ra, dù có đoán mò đoán non đi nữa thì cứ mỗi sáng bọn chúng tôi cũng vẫn cứ bị ngửi.
Cứ vào mỗi sáng thứ Hai đầu tuần là buổi lễ chào cờ như thường lệ, hai lá cờ, một là cờ Tổ Quốc, một là cờ hiệu của nhà Trường. Nhóc tôi hay đứng nhìn hai bậc đàn anh đang đứng nghiêm trang hai bên cái cột cờ và tay thì lăm le sợi dây. Mà công nhận các anh cũng khéo tay ghê, khi bản nhạc Quốc ca và bài Lasan Hành Khúc từ cái loa nổi lên, là hai anh từ từ kéo sợi dây cho lá cờ đi lên, hai anh canh me hay đến nỗi khi nhạc vừa dứt, thì lá cờ cũng vừa lên đến đỉnh cây cột cờ, không nhanh mà cũng không chậm hơn một chút nào, trước bao con mắt ngưỡng mộ của bọn nhóc tụi tôi, hay thật.
Và cứ sáng thứ Hai là tụi nhóc tôi có khi lại vừa hát theo, vừa đưa mắt nhìn hai ông đàn anh đáng kính, và cái cây cột cờ quen thuộc kia.
Lớp 6, 7 hồi ấy, buổi sáng trước khi vào giờ học cả lớp đều đứng đọc kinh, thường là kinh Lạy Cha. Tôi người Bắc và hay xem lễ đọc kinh theo lối của người Bắc, đọc chậm và rề rà chứ không đọc nhanh và cao giọng như trong trường, cho nên lúc đầu rất khó theo, nhiều khi anh em đọc xong bài kinh rồi mà mình vẫn đọc chưa hết, nhưng rồi đua theo mãi thì cũng thành công chớ. Sau cái màn đọc kinh xong là Thầy Cô bắt đầu đọc danh sách điểm danh học sinh trong lớp, cứ nghe gọi đến tên mình thì la lên : Present (có mặt), hay Absent (vắng mặt), thấy anh em mỗi lần nói theo người Nam :"có mặc"là tôi chọc"có mặt mới đúng", anh em gọi tôi là thằng Bắc Kỳ, nhưng tôi viết chính tả thì chính xác và ít có lỗi, còn anh em người nam thì lỗi nhiều vô cùng, nhất là vần c, d, t.
Sau bao nhiêu năm miệt mài ngồi chung với các bạn người Nam, mà sau này cái giọng tôi cũng lai theo, giọng Bắc pha Nam dễ thương vô cùng (ý ẹ) ...
Hồi lớp 6, trong lớp tôi có cái trò bom thúi, cái trò này đôi khi nó gây bực bội vô cùng, cứ tưởng tượng đang ngồi viết bài học, tự nhiên thằng Mạnh Sa ngồi bên cạnh nó nói cho mày ngửi cái này, nó đánh rắm vào cái bàn tay của nó, rồi chụm lại và đưa vào mũi tôi, trời ơi đúng là bom thúi, mà đâu chỉ có thằng Sa không thôi, thêm mấy ông nội trong lớp cũng bắt chước nghịch theo.
Theo thông lệ hàng năm, nhà trường có tổ chức chích ngừa dịch tả cho tất cả các học sinh trong trường, cứ mỗi lần đến ngày chích là bọn nhóc tụi tui rất sợ, và đến lúc cả lớp xếp hàng đi xuống dãy tầng trệt của khu nhà giữa là đứa nào cũng le lưỡi, chích thì không ngán, nhưng ngán là nó nhức cánh tay chỗ vừa chích đến 2, 3 ngày mới khỏi, thường thì chích tay trái để tay phải viết bài hay ngược lại, ai yếu thì có thể bị sốt, cứ mỗi lần đi học thì gặp ai đi đến gần cánh tay vừa chích thì lo né, sân trường thì chật, học sinh thì đông, cái chuyện đụng nhau thì làm sao tránh khỏi, đã vậy mà cũng có những thằng bạn chơi ác, nó cứ làm như vô tình đụng rồi lại vờ xin lỗi, hay ác hơn là cứ nhè cánh tay chích mà vỗ thoải mái, sau này vì số lượng học sinh đông nên bên y tế cho chích bằng máy, vừa lẹ mà lại không đau nhưng vết chích vẫn sưng và nhức, nên tụi tui cũng vẫn sợ như thường.
Hình như đa số học sinh Taberd ít có xài đến bút nguyên tử hay còn gọi là bút Bic, tôi không nhớ là nhà trường có cấm không? chỉ biết là đa số hay xài cây bút mực Pilot, sang hơn nữa thì là cây Parker 57, nên trong cặp luôn có thêm một hộp mực hiệu Quynn Ink màu xanh dương hay đen, mấy cây bút này viết trơn tru và êm phải biết, đứa nào cẩn thận hơn thì có thêm tờ giấy thấm mực màu hồng nữa.
Thuở ấy trong những giờ ra chơi thì nếu không chơi trò rượt bắt, hay chia phe đánh lộn thì tụi tôi lại chơi trò bắn bi, cứ 3, 4 thằng túm tụm lại cầm những viên bi trong tay, rồi ngồi chổng mông ngắm bắn, ngoài những viên bi Việt Nam bị sứt mẻ đôi chút vì chơi nhiều, nhìn chẳng hấp dẫn tí nào, còn có những viên bi ngoại mà ngày đó thằng nào cũng thích, nó trơn tru một mầu trắng đục lại còn điểm thêm mầu nâu hay cam chạy quanh, nhìn giống như mấy ngôi sao Mộc sao Thủy, đẹp vô cùng mà đâu phải thằng nào cũng có, tụi tôi rất thích nên cứ gạ gẫm để đổi, hoặc chơi bắn ăn bi, mà một viên ngoại ăn tới mấy viên bi nội, do sân trường đa số bằng bê tông không có sân đất, nên đôi khi cũng phải trổ tài bắn chính xác thì mới ăn được.
Mỗi năm cứ đến hè về là tụi tôi lại thấy buồn, nghỉ tới 3 tháng hè xa trường xa bạn, không biết sang năm có được ngồi học chung trong lớp hay không nữa, hay lại tản mát mỗi thằng một nơi, phải đợi gần đến ngày khai giảng khi đi tìm danh sách lớp mới, thì mới biết vui hay là buồn.
Do sự sắp xếp của nhà trường, các khối cùng cấp như tụi tôi, có khi học chung với nhau quãng thời gian 7, 8 năm trong trường, mà có thằng bạn chỉ học chung lớp với nó một lần duy nhất, đứa thì hai lần, cũng có khi may mắn thì ngồi với nhau những 3 năm liền. Do sự sắp xếp đó cho nên nhiều khi không học chung với nhau, nhưng lại biết mặt nhau, hoặc bạn của người này cũng là bạn của mình hồi năm ngoái.
Buồn nhất là những đứa vì hoàn cảnh gia đình, hay vì kinh tế mà đành phải rời trường, dù đã học với nhau 2, 3 năm tại ngôi trường này.
Ngày ấy, tụi nhóc chúng tôi rất mê truyện tranh, nhất là truyện tranh của Pháp, vì truyện vẽ rất ngộ nghĩnh mà màu sắc thì đẹp vô cùng, cuốn truyện to đùng với tấm bìa sách cứng, lại toàn tiếng Pháp. Tạp chí thì có tạp chí Spirou, nó giống cuốn Tuổi Hoa ngày xưa hay Mực Tím bây giờ, đủ mục :có ô chữ, truyện ngắn hay truyện tranh mới, đăng từng kì.. Còn các truyện khác cũng không kém phần hấp dẫn như: Lucky Luke và bọn tứ quái Danton của tác giả Morris & Goscinny, truyện Sĩ Phú (Spirou), Phan Tân(Fantasio) và chú vượn đốm Marsupilami của tác giả Franquin, rồi truyện TinTin với chú chó Milou của Herge, sau này còn có thêm truyện Asterix & Obelix, truyện Xì trum ...
Hồi đó muốn mua những cuốn truyện tranh của Pháp hay Mỹ, thì đã có nhà sách Liên Châu, nằm bên cạnh nhà thờ Đức Bà gần trường, hay nhà sách Xuân Thu trên đường Tự Do, còn không thì phải lội bộ ra nhà sách Khai Trí nằm trên đường Lê lợi.
Những cuốn truyện tranh ấy cùng với những cốt truyện hay, đã là những hình ảnh khó mà quên của một thời thơ ấu, và mãi đến bây giờ chúng tôi vẫn còn thấy nhớ và cũng không thể nào quên được. Cái hình ảnh một chú nhóc ôm một cuốn sách hình, ngồi mê mẩn đọc nhìn vào cũng đáng nể lắm, mặc dù có đôi khi chú chỉ nhìn hình thôi và hiểu lơ mơ, và càng phục chú hơn nếu trên tay chú là cuốn tạp chí Spirou, với đủ các mục và đòi hỏi cái vốn sinh ngữ Pháp phải kha khá mới đọc nổi, mà chú lại học ở trường Tây ra, đôi khi cũng trớ trêu lắm.