Taberd.org
 Mục lục
Sói con Taberd
Nguyễn Quân

Tôi tham gia vào bầy sói của Taberd vào những năm 69-70 khi đang học tiểu học.

Bầy sói của trường do cô Triệu Thoại Ba làm Akela (Sói Già), có hai cô làm phụ tá là cô Lê Thị Thanh Hà làm Baloo (Gấu) và cô Nguyễn Thị Đạm Thủy làm Bagheera (Báo đen). Bầy được chia thành 4 đàn lấy tên theo màu lông sói: Trắng, Xám, Nâu và Đen. Mỗi đàn có khoảng 7 hoặc 8 đứa, vị chi bầy sói Taberd khi đó khoảng gần 30 sói, toàn là ở tuổi tiểu học.

soi_con_1
Ba Trưởng đang hướng dẫn các Sói múa hát

Tôi không trực tiếp học cô Thoại Ba ở trong lớp nên không biết cô dạy môn gì. Cô Thoại Ba nhìn khuôn mặt thì trông rất là dữ, nhất là đôi mắt của cô sắc như dao. Nhưng thật ra tính tình của cô không dữ như vẻ bên ngoài, chẳng qua là do bản tính cô năng động tháo vát như đàn ông nên mới được trường cử làm bầy trưởng.

Hồi đó tôi không hiểu tại sao trường có nhiều thầy cô mà sao chỉ chọn các cô để điều hành bầy sói. Sau này tôi mới hiểu là khác với các ngành của các anh lớn như Thiếu, Kha, Tráng có thể tự lực trong mọi hoạt động như cắm trại, dựng lều, đào bếp, nhúm lửa nấu cơm ... thì các sói ở cái tuổi còn quá nhỏ chưa thể tự mình làm được như các anh, cho nên các bầy trưởng thường phải làm hết mọi chuyện, điều đó đòi hỏi các Trưởng phải có tính kiên nhẫn và biết thương yêu các sói như con thì mới mong điều hành tốt. Đàn ông thường hay nóng tính, đôi khi thiếu kiên nhẫn đối với con nít nên có lẽ không thích hợp với vai trò này. Điều hành một đàn Sói cực hơn một đoàn Thiếu, Kha, Tráng nhiều.

Hàng tuần vào sáng chủ nhật, chúng tôi mặc đồng phục Sói con và đến sinh hoạt ngay tại trường. Các buổi sinh hoạt thường là học Luật và Cách Ngôn Rừng, học múa hát và chơi các trò chơi. Đến bây giờ mà tôi vẫn còn nhớ điệu múa Trăn của sói. Các sói xếp thành hàng một, tay phải luồn qua hai chân đứa đứng trước nắm lấy tay trái của nó, cứ thế khom khom vừa đi vừa hát theo nhịp của bài Múa Trăn:

Ðầu trăn lồm ngồm
Khúc trăn quanh co
Mình trăn uốn khúc
Trăn phun phì phì.
Chồm lên chồm chồm
Khúc trăn lô nhô,
Mình trăn uốn khúc
Trăn lăn tròn vo.
Ðầu đuôi không rời
Nhấp nhô tơi bời ...

Một bài hát có lời lẽ giản dị mộc mạc như khúc đồng dao của trẻ em Việt Nam. Đôi khi có thằng vấp chân té sóng soài kéo theo một khúc Trăn té theo, thế là cười khúc kha khúc khích lồm cồm bò dậy hát và múa tiếp. Nghĩ lại thấy cũng vui.

soi_con_2
Cô Hà và cô Thủy đang điều khiển các sói múa Trăn

Ngoài sinh hoạt tại trường, thỉnh thoảng các Trưởng còn tổ chức các buổi trại sáng đi chiều về, thường là ở các vùng phụ cận Saigon như Lasan Mossard ỡ Thủ Đức, Lasan Mai Thôn ở Thanh Đa. Mossard có khuôn viên khá rộng và nhiều cây cối, đặc biệt là có một hồ bơi mà theo con mắt tôi hồi đó thì cũng khá rộng, nước thì không sâu nên tụi nhỏ chúng tôi tha hồ vùng vẫy mà không sợ hụt chân, chỉ có điều là do chung quanh có khá nhiều cây nên mùa lá rụng rơi cả vào hồ bơi nên không được sạch lắm. Còn Mai Thôn hồi đó cỏ mọc um tùm cao hơn cả đầu chúng tôi nên tha hồ mà chơi trốn tìm.

Khác với các đoàn Hùng Tâm, Nghĩa sĩ là của riêng trường Taberd hoặc của dòng Lasan, thì Sói con Taberd lại còn là thành viên của đại gia đình Hướng Đạo Việt Nam gồm rất nhiều Đạo, Liên Đoàn trải rộng khắp miền Nam khi đó. Tôi nhớ năm 1970 là năm Hướng Đạo Việt Nam tổ chức trại Họp Bạn Toàn Quốc lấy tên là Giữ Vững tại Suối Tiên Thủ Đức. Bầy Sói Taberd cũng tham gia với tiết mục đồng diễn thể dục. Để tập cho kịp thời gian nhiều lúc các Sói phải bỏ cả giờ học để xuống sân tập. Hồi đó đâu có video cassette như bây giờ, cho nên các cô phải vừa hát vừa vỗ tay theo nhịp vừa hướng dẫn động tác cho các sói sao cho khớp và đồng đều với nhau, đối với tuổi tiểu học hiếu động thì việc đó khá là vất vả.

Đến ngày đồng diễn chúng tôi lên xe tới trại. Tới nơi thấy khá nhiều các đoàn bạn tham gia nên cũng hơi khớp, trên khán đài đông nghẹt người, lại có nhiều vị quyền cao chức trọng khiến chúng tôi lại càng khớp hơn nữa. Khi nhạc trổi lên chúng tôi chạy ra xếp thành hàng theo đúng mô hình mà các cô đặt ra (tôi không nhớ đó là mô hình tượng trưng cho chữ gì vì khi đó còn nhỏ quá) và bắt đầu diễn. Vì lần này diễn theo nhạc chứ không theo tiếng vỗ tay của các cô lúc tập nên lúc đầu cũng hơi vấp váp một chút, nhưng cuối cùng thì cũng êm, và khi tiếng vỗ tay của khán giả vang lên chúng tôi mới thấy nhẹ nhõm hẳn lên.

Ngoảnh lại thì nay cũng đã 40 năm trôi qua rồi, các cô nay đều đã già và các bạn tôi cũng như tôi đều không còn cái tuổi ngây thơ như trước đây nữa. Kỷ niệm dù có đẹp cách mấy thì cũng chỉ là quá khứ, chẳng thể quay lại được.Hướng Đạo cũng như Taberd đều những tổ chức mang tính cách giáo dục, nhưng điều khác biệt với trường lớp là Hướng Đạo giáo dục thanh thiếu niên không phải bằng học vấn mà bằng trò chơi, chơi mà học. Sau này lớn lên tôi mới ngẫm ra một điều là cuộc đời thực ra cũng không khác gì một trò chơi là mấy, nó là một trò chơi lớn, cũng có thắng thua, thành bại, vui buồn. Nhưng dù cuộc đời có như thế nào đi chăng nữa thì mình cũng có thể tự hào là đã cố gắng sống một cuộc sống hữu ích, giống như châm ngôn của Sói luôn là Gắng Sức, và cũng giống như một câu trong bài Lasan Hành Khúc:

...
Một cuộc sống thanh cao, ta nguyện đem ánh sáng,
Dìu dắt sinh linh vào hạnh phúc, đi không ngừng.

Nguyễn Quân - Sài Gòn (10 tháng 5 năm 2010)