Taberd.org
 Mục lục
Những trò chơi tuổi học trò
Nguyễn Quân

Tôi nhớ thời tiểu học chúng tôi nghĩ ra nhiều trò chơi rất thú vị, trong đó thích nhất là chơi chọi hình. Thời đó hình là những con thú hay người làm bằng nhựa, có đủ loại: thú như voi, cọp, beo, sư tử, chuột, heo, ..., người thì đa số là lính với đủ tư thế đứng, quì, nằm, ... hoặc mấy thằng cao bồi cưỡi ngựa bắn súng. Nói chung là đủ thứ, đủ loại, đủ màu sắc và hình dáng khác nhau. Chúng tôi thường qui định giá trị của từng con, con này ăn 1, ăn 2 ăn 3 tùy theo nó có quí hiếm hay không. Tôi rất khoái chọi hình vì mình chọi cũng khá nên thường ăn hơn là thua. Mỗi ngày đi học tôi đi bằng xe trường và mỗi lần đợi xe trường tới đón chúng tôi thường tụm nhau lại chơi chọi hình. Mấy đứa chúng tôi gồm có Nguyễn Thế Huy, Khôi, Huỳnh Anh Kiệt, Quân (anh của Khôi) và tôi cùng ở một khu (dốc cầu Trương Minh Giảng) lại say mê chọi hình, chỉ đến khi thấy cái bóng xe trường ở đằng xa (cái xe đi tuyến khu tôi là cái xe to nhất trong đám các xe của trường nên rất dễ nhận ra) thì mới cuống cuồng gom hình bỏ vào cặp và lăng xăng chạy tới đón xe.

Lên xe rồi mà cũng còn ham chơi, nên bày ra cái trò đoán hình, tức là mỗi thằng cầm một nắm hình với số lượng tùy thích bụm lại đưa ra rồi đoán tổng số của tất cả các nắm là bao nhiêu, thằng nào đoán trúng thì mấy thằng kia phải nộp hình cho thằng đó, có thằng thích chơi khăm bằng cách cầm rất ít mà làm cứ như là cộm lắm, còn để nhú nhú ra một cái hình cứ như là nắm không xuể. Suốt từ nhà tới trường cứ thế mà mải miết chơi.

Trong trường thì giờ ra chơi chơi chọi hình, đến giờ ra về leo lên xe trường lại chơi đoán hình, cứ thế mà ngày này qua tháng nọ không dứt, mãi tới khi lên lớp 6 mới thôi, chắc là tại lên trung học phải mặc quần dài không được mặc quần short nữa nên vướng víu cho các trò chơi vận động, hoặc cũng có thể là do thấy mình lớn rồi thì không chơi các trò chơi con nít nữa chăng?

Ngoài chọi hình thì giờ ra chơi lớp tôi (Năm 5, niên khóa 1970-71) lại chia hai phe chơi U. Chắc các bạn cùng thời cũng biết chơi U như thế nào rồi. Trong lớp có một thằng khá mập tên Hưng (Trần Gia Hưng mà chúng tôi thường gọi là Hưng Mập). Người nó tròn lẳng mà khi đổ mồ hôi rồi thì da nó trơn tuột, đố thằng nào mà bắt được nó, muốn bắt thì phải có ít nhất 3, 4 thằng xúm nhau lại mới hy vọng lôi nó đến khi nó hết hơi và dứt tiếng "U..U..", phe nào cũng muốn có nó vì chắc chắn sẽ thắng với tỷ lệ cũng đến 70%, nó thường giữ vai trò tấn công còn những thằng gầy gầy như tôi thì phòng thủ. Mỗi lần thằng Hưng qua phía đối phương là mấy thằng bên kia phải chạy loanh quanh né tránh, chứ nhỡ nó quơ trúng thì bắt nó cũng mệt chứ chẳng chơi, tôi cứ nhớ mãi cái cảnh 3, 4 đứa bu lại đè nó xuống không cho nó vượt mức quay về mà cứ bị nó lôi tuồn tuột đi mà phát buồn cười. Đúng là tuổi nhỏ nghĩ ra những trò tuy đơn giản ít tốn kém mà lại vui. Con nít bây giờ chẳng có được những thú vui như lớp cha chú nó ngày xưa.

Hết chơi U thì lại chia hai phe đánh lộn, tuy là đánh giả nhưng cũng quyết liệt y như đánh thật vậy, nào là rình nhau phục kích, nào là rượt đuổi nhau, vung tay vung chân, nào là chặt chém, kẹp đầu kẹp cổ nhau mà vật túi bụi, tới lúc nghe tiếng reng chuông báo hiệu hết giờ ra chơi thì thằng nào thằng nấy quần áo xốc xếch dơ dáy, tóc tai thì bù xù cứ như thằng ăn mày vậy. Tuy nhiên khi đã xếp hàng vào lớp thì im phăng phắc, bỏ áo vô quần nghiêm chỉnh, vì nếu thầy Nguyễn Văn Hòa Giám thị mà thấy thằng nào ăn mặc lôi thôi thì chỉ có mà ốm đòn. Tôi vẫn không thể nào quên được cái cách đánh học trò của thầy Hòa, trông cứ như là võ sĩ Muay Thai đang thượng đài vậy (xin lỗi nếu thầy có đọc những dòng này thì cũng xin bỏ qua cho). Tuy nhiên tôi nghĩ trường Taberd sở dĩ được xem là một trường tư thục nổi tiếng Saigon một phần cũng là nhờ kỷ luật rất là nghiêm.

Ngẫm nghĩ lại mới thấy tuổi học trò là tuổi đẹp nhất trong đời, chỉ có ăn, học và chơi thôi, chẳng bận tâm tới chuyện người lớn, những kỷ niệm thuở học trò bao giờ cũng đẹp và đáng nhớ. Bây giờ đã 40 năm qua rồi, những đứa trẻ ngày xưa bây giờ đã ở tuổi U50, U60 cả rồi và dĩ nhiên là chẳng bao giờ có thể sống lại cuộc sống hồn nhiên vô tư lự ngày xưa.

Nguyễn Quân - Sài Gòn (5 tháng 5 năm 2010)